Bệnh Herpes môi hay còn gọi là mụn rộp sinh dục – là một căn bệnh gây ra bởi virus Herpes phổ biến trên thế giới. Căn bệnh này thường lây từ người sang người bằng tiếp xúc gần như hôn hoặc quan hệ tình dục.
Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng căn bệnh này cũng tạo ra không ít phiền toái và khó chịu trong cuộc sống hàng ngày cho người bệnh. Vậy hãy để Vinanutrifood cùng bạn tìm hiểu về chứng bệnh này ngay trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân
Herpes (mụn rộp) gây ra bởi chủng virus Herpes Simplex (HSV), trong đó HSV – 1 thường gây ra mụn rộp ở môi còn HSV – 2 là nguyên nhân chính gây bệnh mụn rộp sinh dục.
Tuy nhiên cả hai loại đều có thể lây lan lên các vùng khác trên mặt hoặc bộ phận sinh dục khi tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như quan hệ tình dục bằng miệng hoặc dùng chung các dụng cụ ăn uống, dao cạo râu và khăn tắm.
Mụn rộp dễ lây lan nhất khi bạn xuất hiện những mụn nước chảy mủ vì virus có thể dễ dàng lây khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh. Nhưng bạn cũng hoàn toàn có thể lây lan loại virus này khi không hề xuất hiện bất cứ triệu chứng nào.
Khi bạn đã bị nhiễm virus, chúng sẽ nằm trong các tế bào thần kinh trên da bạn mãi mãi và gây ra nhiều đợt tái bùng phát ở cùng một vị trí như trước đó.
Triệu chứng
Tùy vào từng cơ địa và tính chất của đợt bùng phát, mỗi người sẽ gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên bệnh Herpes môi sẽ thường trải qua một số giai đoạn nhất định như sau:
- Ngứa ran: Nhiều người sẽ bắt đầu cảm thấy ngứa, rát hoặc ngứa ran ở khu vực xung quanh môi trong một vài ngày trước khi xuất hiện một số nốt mụn nước nhỏ, cứng và đau.
- Xuất hiện các vết rộp: Sau 1-2 ngày các mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng sẽ bùng phát dọc theo viền môi. Thậm chí đôi khi chúng có thể xuất hiện cả ở những khu vực quanh mũi, má hoặc bên trong miệng.
- Rỉ nước và đóng vảy: Các mụn nước nhỏ hợp lại thành các vết rộp lớn sau đó vỡ ra, để lại các vết loét hở nông, rỉ nước và đóng vảy.
Các vết loét có thể kéo dài vài ngày và các mụn nước sẽ mất từ hai đến ba tuần để chữa lành hoàn toàn. Các đợt tái phát sau thường có xu hướng xuất hiện tại cùng một vị trí mỗi lần và ít nghiêm trọng hơn.
Trong lần đầu tiên bùng phát bạn có thể gặp phải một số triệu chứng đi kèm như:
- Sốt
- Viêm họng
- Đau đầu
- Đau cơ
- Sưng hạch bạch huyết
Cách điều trị
Đến thời điểm hiện tại y học vẫn chưa tìm ra cách để chữa trị dứt điểm bệnh Herpes môi. Một khi bạn bị nhiễm, virus sẽ tồn tại mãi mãi trong cơ thể bạn. Và các tổn thương sẽ thường tự lành sau từ 1 đến 2 tuần.
Các loại thuốc kháng virus có thể giúp tăng tốc độ chữa lành, đặc biệt nếu bạn sử dụng thuốc khi có những dấu hiệu đầu tiên của đợt bùng phát. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho bạn một số loại thuốc như:
- Thuốc mỡ hoặc kem bôi cục bội: Dùng để thoa trực tiếp lên các vết loét gồm acyclovir và penciclovir cần được kê đơn hoặc bạn có thể mua docosanol không cần kê đơn.
- Thuốc uống kháng virus (chỉ bán theo đơn): Bên cạnh kem bôi bạn có thể dụng kết hợp các loại thuốc uống như acyclovir hoặc valacyclovir để đẩy nhanh tốc độ khỏi bệnh.
- Tiêm tĩnh mạch: Nếu những triệu chứng của bạn diễn biến nặng mà không thể tự hồi phục thì các bác sĩ có thể chỉ định tiêm tĩnh mạch bằng một số loại thuốc như: Cidofovir, foscarnet hoặc acyclovir.
Các loại thuốc kháng virus Herpes cũng có thể được sử dụng để phòng ngừa nguy cơ bệnh tái phát, đặc biệt là với những đối tượng thường xuyên phát bệnh, gây ra những bất tiện và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Để giảm những triệu chứng khó chịu, đau rát do những vết loét gây ra ngay tại nhà thì bạn có thể tham khảo một số phương pháp cực kỳ tiện lợi như sau:
- Chườm lạnh lên những vết loét.
- Tránh ăn các thực phẩm có chứa nhiều axit như: Cam, chanh, cà chua,…
- Súc miệng bằng dung dịch chuyên dụng có chứa baking soda.
- Sử dụng các thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen để làm dịu các triệu chứng.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa tối đa khả năng bị nhiễm và tái nhiễm bệnh Herpes môi, bạn có thể thực hiện theo những lời khuyên sau:
- Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có khả năng chống nắng và tránh cho môi phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm có thể kích thích phát bệnh như các loại hạt, socola hoặc gelatin.
- Nghỉ ngơi thường xuyên, tránh để cơ thể quá căng thẳng và mệt mỏi.
- Không tiếp xúc gần gũi như hôn hoặc quan hệ tình dục với những người bị mụn rộp sinh dục.
- Không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như: Cốc, ống hút, bàn chải, khăn tắm, son với người bệnh.
- Luôn giữ bàn tay sạch sẽ để tránh lây lan virus ra các khu vực khác trên cơ thể.
- Sử dụng bao cao su và màng chắn miệng khi quan hệ tình dục, hạn chế quan hệ tình dục với nhiều người.
Trên đây là một số thông tin tổng quan về căn bệnh Herpes môi mà Vinanutrifood mang đến cho bạn. Hi vọng qua đây bạn có thể có thêm những hiểu biết mới về cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả chứng bệnh này. Từ đó đẩy nhanh hiệu quả quá trình điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.