Trong khi tại các nhà vườn- trang trại, nông sản thu hoạch chất đống đang bán giá “rẻ như cho”, nông dân đau đầu với bài toán tiêu thụ sản phẩm thì nhiều nhà phân phối, hệ thống bán lẻ lại phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn hàng đầu vào.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến “người mua- kẻ bán” không gặp được nhau?
Người Đưa Tin (NĐT) đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT chuỗi siêu thị Nutrimart, nhà phân phối- bán lẻ có địa điểm kinh doanh trải dài khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam để tìm lời giải đáp.
NĐT: 2020-2021 là giai đoạn khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Nutrimart đã có những thay đổi ra sao để thích ứng với tình hình mới?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: Nutrimart là cái tên còn tương đối mới trong ngành hàng bán lẻ Việt Nam. Slogan ban đầu của chúng tôi là “Đưa sản phẩm Việt ra thế giới”, mục tiêu hướng tới thị trường xuất khẩu. Nhưng đại dịch đã khiến đứt gãy chuỗi vận chuyển, sản xuất trong nước rơi vào tình trạng đình trệ. Để duy trì công ăn việc làm, giữ vững tinh thần cho người lao động, đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đã ký với bà con vùng nguyên liệu, Nutrimart buộc phải xoay vần chính sách, tập trung vào phát triển hệ thống bán lẻ thị trường trong nước, hướng tới đưa sản phẩm Việt phủ sóng cho các khách hàng của Việt Nam với slogan mới “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”.
NĐT: Là một gương mặt mới trên thị trường bán lẻ, tại sao Nutrimart không tập trung vào phát triển thị trường trong nước mà lại lựa chọn chiến lược hướng tới xuất khẩu, thị trường nhiều khó khăn và rủi ro?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: Bản thân tôi là một người con của Hải Dương, nhìn thấy nỗi đau trên cánh đồng từ những năm 2011-2012. Tình trạng chung là tới mùa thu hoạch, sản phẩm nhiều nhưng bà con lại không bán được, bao năm qua vẫn loay hoay câu chuyện “giải cứu” nông sản. Hàng hóa không đủ tiêu chuẩn lên kệ của nhiều nhà phân phối, không có đầu ra xuất khẩu, luôn bị động trong khâu sản xuất và tiêu thụ…Tất cả những yếu tố này vô tình đẩy người nông dân vào thế “lấy công làm lãi”. Nông sản mà chỉ bán trong nước thì lợi nhuận rất thấp, vậy nên tôi khát khao giải quyết được khâu này.
Từ những trăn trở đó, tôi bắt đầu tìm hướng trong xuất khẩu nông sản và thị trường đầu tiên hướng tới là Trung Quốc.
NĐT: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Lê Minh Hoan đã từng nói “bán những thứ thị trường cần chứ không bán thứ chúng ta có”. Vậy theo bà, để chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế nông nghiệp, người nông dân nên bắt đầu từ những đâu?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: Bất cứ một ngành kinh tế nào cũng nên có kế hoạch dù là ở cấp nào chăng nữa. Doanh nghiệp hay người dân đều cần có kế hoạch cụ thể cho sản xuất và kinh doanh. Tôi lấy ví dụ, người dân trước khi bắt tay vào sản xuất thì cần phải xác định trước thị trường tiêu thụ ở đâu, yêu cầu chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn nào, phân khúc khách hàng nhắm đến…để từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp và chủ động được đầu ra cho sản phẩm.
Với doanh nghiệp cũng vậy, nói riêng ở Nutrimart, chúng tôi xác định thị trường mục tiêu từ đó sẽ có kế hoạch cho các khâu như, kinh doanh sản phẩm, đâu là sản phẩm chủ lực. Tiếp theo sẽ là xây dựng vùng nguyên liệu, kênh phân phối, phát triển hệ thống…
Nói thêm về lý do tại sao doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu. Khi có vùng nguyên liệu ổn định với quy mô, chất lượng phù hợp nhu cầu, doanh nghiệp sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro trong kinh doanh, giảm thiểu chi phí vận chuyển, chế biến; kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Từ đó cũng giúp ích rất nhiều cho người dân, tránh việc sản xuất rất nhiều nhưng hàng hóa không có nơi chế biến, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn nên khó có thể tiêu thụ.
NĐT: Như bà chia sẻ, bất cập trong phát triển vùng nguyên liệu nông sản kéo theo khó khăn về kế hoạch sơ chế, chế biến. Thực tế vài năm qua, tình trạng nông dân sản xuất rất nhiều nhưng khó tiêu thụ hoặc có tiêu thụ thì giá cũng rất rẻ. Trong khi đó, nhiều hệ thống phân phối, nhà bán lẻ vẫn trong tình trạng “đói hàng” đầu vào. Đâu là nguyên nhân khiến cho bên mua và người bán chưa gặp được nhau?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: 9 năm trong mảng này, tôi nghĩ rằng chất lượng nông sản chưa được như kỳ vọng.
Sản phẩm của các hợp tác xã, vùng trồng nếu muốn vào được siêu thị, kênh phân phối lớn thì phải đảm bảo tiêu chuẩn ngay từ các khâu thu hoạch, sơ chế, đóng gói…đây là nguyên nhân đầu tiên khiến doanh nghiệp thu mua và nông dân chưa gặp được nhau.
Thứ hai, về mặt giá cả, các kênh phân phối, siêu thị niêm yết giá công khai bởi sản phẩm trước khi lên kệ đều phải qua hàng loạt các quy trình kiểm soát chất lượng gắt gao. Trong khi đó, bà con bán lẻ theo giá thị trường với những sản phẩm sản xuất tự phát. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn trong tiêu chuẩn hàng hóa giữa thị trường tự do và hệ thống siêu thị.
Thứ ba, sản phẩm muốn vào hệ thống phân phối của siêu thị, bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quy cách đóng gói, bảo quản chất lượng, sơ chế sản phẩm…nhưng sản xuất nông nghiệp nhiều nơi tại Việt Nam còn mang tính chất tự phát, chỉ là sản phẩm thô, chất lượng sau thu hoạch chưa cao nên khó đáp ứng được các yêu cầu này. Như vậy, sản phẩm chưa đáp ứng được quy định về chất lượng trong nước thì làm sao có thể tính tới chuyện đưa ra tiêu thụ ở nước ngoài.
Chúng ta cần đứng về phía người mua hàng để nhìn thấy được yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, về vùng nguyên liệu.
NĐT: Vậy tiêu chuẩn thu mua đối với mặt hàng nông sản của Nutrimart ra sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: Nutrimart không làm qua nhiều kênh trung gian, không tập trung vào mục tiêu bán được giá mà hướng tới chiến lược lâu dài và bền vững. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư nhiều nhà máy sơ chế, xây dựng các vùng nguyên liệu…Đưa các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình sản xuất. Đây cũng là hai tiêu chuẩn chủ yếu để Nutrimart đưa ra quyết định thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Hướng tới kinh tế xanh
NĐT: Kinh tế xanh, tiêu dùng xanh là xu hướng thế giới, đây cũng là một trong những tiêu chí hoạt động được Nutrimart nêu ra. Đơn vị đã có hoạt động gì để cụ thể hóa tiêu chí bảo vệ môi trường?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: Định hướng phát triển của Nutrimart là doanh nghiệp cộng đồng, hoạt động vì cộng đồng, trong đó, phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường là mục tiêu tối thượng. Các bao bì được sử dụng trong hệ thống đều là bao bì tái chế, tận dụng tối đa các phụ phẩm thân thiện với môi trường. Tại nhiều vùng nguyên liệu, chúng tôi khuyến khích bà con sử dụng nguồn nguyên liệu tuần hoàn. Ví dụ, ủ phân vi sinh, tái chế các nguyên liệu tại chỗ như rơm, rạ, thân ngô, gốc ngô,…hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các thành phần hóa học trong chăm bón và nuôi trồng sản phẩm.
NĐT: Cụm từ “Kinh tế tuần hoàn” thời gian qua được nhắc đến nhiều trong xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh. Bà đánh giá sao về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: Ở Nhật hay Trung Quốc, việc tái chế rác thải nông nghiệp là tất yếu. Tại Việt Nam, cản trở lớn nhất trong triển khai kinh tế tuần hoàn là việc thiếu công nghệ kỹ thuật, máy móc để tái chế nhiều phụ phẩm, rác thải nông nghiệp thành sản phẩm có ích.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang lãng phí cả tỷ USD mỗi năm liên quan đến rác thải nông nghiệp. Ví dụ rõ nhất là sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ thường bị đốt bỏ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, đây là nguồn cung cấp nitơ dồi dào cho cây vì rơm rạ sau khi bị phân hủy sẽ tạo ra NH4+, nguyên tố dinh dưỡng khoáng thiết yếu của thực vật, giúp cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Vậy nên, nếu được, tại các khu vực hợp tác xã, ủy ban nhân dân có thể đặt các loại máy móc tái chế các loại rác thải nông nghiệp này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mô hình gần như chưa được thực hiện, chưa làm tập trung mà bà con chủ yếu là tự phát, vùi lấp hoặc đốt… Do đó chưa tạo ra nền kinh tế tuần hoàn.
Cần sự hỗ trợ của chính quyền
NĐT: Bà vừa nhắc tới Nhật Bản hay Trung Quốc. Đây là 2 thị trường xếp thứ nhất và thứ hai về nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Vậy làm sao, để sản phẩm nông sản của chúng ta đạt yêu cầu về chất lượng, có thể vươn xa hơn nữa đến các thị trường nhiều tiềm năng?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: Ở Việt Nam, chưa có vùng nguyên liệu, sản xuất tập trung theo các tiêu chuẩn mà thị trường đối tác yêu cầu.
Điển hình, việc xác định tiêu chuẩn vùng trồng xuất đi thị trường nào là chưa có, người dân đang sản xuất theo hướng mạnh ai nấy làm, tới mùa thu hoạch thì mạnh ai nấy bán.
Việt Nam đang xuất khẩu theo những gì chúng ta có, mang tính chất “ăn may” là chủ yếu, chưa xác định được đối tác chiến lược, nhu cầu thị trường mục tiêu, tiêu chuẩn sản phẩm… Cần phải hướng tới nền sản xuất có kế hoạch cụ thể, theo định mức đơn hàng, mỗi tháng bao nhiêu Container, chủng loại sản phẩm…
Thổ nhưỡng Việt Nam tạo ra các dòng sản phẩm khá tốt, có hương vị đặc trưng. Nhưng điều đau lòng là sản phẩm chưa có vị trí trên thế giới. Ví dụ, gạo Việt nhưng đóng bao bì Thái Lan, sầu riêng Việt Nam đóng bao bì Trung Quốc. Chúng ta mất thương hiệu của chính mình. Do đó, công tác sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn mác sản phẩm, bản quyền thương hiệu cũng cần phải được chú trọng.
NĐT: Theo bà, vai trò của Nhà nước ở đâu trong chuỗi liên kết sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm?
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng: Đây là một câu hỏi khó. Thực tế hiện nay, ở trên thì liên tục tạo cơ chế nhưng cơ chế chủ yếu chỉ mở với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thương hiệu. Điều này hoàn toàn khác với một số quốc gia.
Chính phủ xúc tiến, còn địa phương chỉ thấy báo cáo. Bao năm vẫn vậy, vai trò kết nối của chính quyền địa phương với doanh nghiệp, người dân rất mờ nhạt.
Nutrimart là đơn vị được đồng hành cùng nhiều cơ quan ban ngành, chính vì vậy, nhìn thấy rất nhiều bất cập. Gửi công văn về địa phương đề nghị cung cấp số liệu, vùng trồng, sản lượng cụ thể để thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con nhưng chưa nhận được nhiều hỗ trợ.
Ngay cơ chế thu mua trực tiếp cũng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, xin danh sách ngành hàng, các nhà bán hàng tại địa phương, lác đác chỉ vài nơi liên hệ lại nhưng phần lớn là chẳng có phản hồi. Doanh nghiệp muốn xúc tiến hỗ trợ bà con, chỉ cần sản phẩm đạt chuẩn thì sẽ tiến hành hợp tác ngay, nhưng để kết nối được với hộ kinh doanh, hợp tác xã…cũng là cả một vấn đề lớn.
NĐT: Cảm ơn bà về những chia sẻ!